Kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường khu công nghiệp

Báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường khu công nghiệp phục vụ dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp Hưng Thịnh

Ngày đăng: 21-06-2017

1,579 lượt xem

Báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường khu công nghiệp phục vụ dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp Hưng Thịnh

KẾT QUẢ THẨM ĐỊNH BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG KHU CÔNG NGHIỆP
Dự án: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hưng Thịnh


Kính gửi:  Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Hưng Thịnh

Căn cứ Luật bảo vệ môi trường được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2006;
Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP và Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 8/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường;
Căn cứ Quyết định số 965/QĐ-STNMT ngày 12/8/2010 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc thành lập Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án Khu công nghiệp Hưng Thịnh do Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Hưng Thịnh làm chủ dự án.
Ngày 24/8/2010, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án trên. Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo kết quả thẩm định như sau: Báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường khu công nghiệp phục vụ dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp Hưng Thịnh
I.Thông tin chung về dự án:
1.Tên dự án: Khu công nghiệp Hưng Thịnh
2.Địa điểm dự án: xã Hưng Thịnh. Các vị trí tiếp giáp như sau:
+ Phía Bắc giáp sông Ba Liên.
+ Phía Nam giáp phần đất còn lại của nông trường 24-3 đang sử dụng.
+ Phía Đông giáp đất đồi trồng cây bạch đàn.
+ Phía Tây giáp núi Tam Cọp.
3.Chủ dự án: Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Hưng Thịnh
4.Qui mô, tính chất Khu công nghiệp
-Quy mô: Diện tích toàn Khu công nghiệp khoảng 157,38ha.
-Tính chất: KCN Hưng Thịnh được xác định là KCN đa ngành, khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ, chủ yếu là chế biến nông, lâm, thủy sản. Đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến sau đường như giấy, cồn, acid… để tận dụng thế mạnh của địa phương là ngành sản xuất mía đường. Ngoài ra còn có các ngành chế biến gỗ, ván tận dụng nguồn nguyên liệu từ các tỉnh Tây Nguyên.
-Nhu cầu cấp nước: Q ≈ 6.600 m3/ngàyđêm. Nguồn nước được khai thác từ nguồn nước mặt ở đập tràn trên sông Ba Liên và nghiên cứu nguồn cấp bổ sung từ hồ Núi Ngang.
-Nhu cầu về điện: Công suất cần cấp cho KCN: 26.977kVA. Nguồn điện trong giai đoạn đầu thi công sử dụng nguồn điện 22KV từ trạm Thạch Trụ. Trong tương lai khi nhu cầu sử dụng lớn sẽ phải đầu tư xây dựng nâng công suất trạm Thạch Trụ sử dụng nguồn 110KV Thạch Trụ - Ba Vì.
-Trạm xử lý nước thải tập trung có công suất 5.700 m3/ngàyđêm
-Nguồn tiếp nhận nước thải: Sông Trà Câu
-Tổng vốn đầu tư: khoảng 249,5 tỉ VNĐ.
5.Các nguồn gây tác động đến môi trường:
5.1. Các nguồn tác động trong giai đoạn xây dựng dự án:
a. Nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí: Phát sinh chủ yếu do bụi từ quá tháo dỡ, xây dựng, các phương tiện vận chuyển vật liệu.
b. Nguồn gây ô nhiễm môi trường tiếng ồn: phát sinh do hoạt động của thiết bị và phương tiện thi công.
c. Nguồn gây ô nhiễm môi trường nước: Phát sinh do sinh hoạt của công nhân, nước thải từ quá trình xây dựng, ngoài ra còn có ô nhiễm do nước mưa chảy tràn.
d. Nguồn gây ô nhiễm môi trường chất thải rắn: Phát sinh do xi măng, sắt thép thừa trong quá trình xây dựng, rác thải sinh hoạt của công nhân.
5.2. Các nguồn tác động trong giai đoạn hoạt động của dự án:
a. Nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí: Phát sinh từ các hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư vào KCN, khí thải, bụi từ các hoạt động của các phương tiện giao thông.
b. Nguồn gây ô nhiễm môi trường nước: Phát sinh từ công nhân và các hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư vào KCN. Lưu lượng nước ước tính khoảng 5.700 m3/ngàyđêm.
c. Nguồn gây ô nhiễm môi trường chất thải rắn: Phát sinh từ công nhân và các hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư vào KCN.
6.Các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường:
6.1.Biện pháp giảm thiểu trong giai đoạn xây dựng:
a. Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí: Đề ra các kế hoạch quản lý hoạt động của các phương tiện vận chuyển, thường xuyên tưới nước tại các khu vực gây bụi và trên đường vận chuyển nguyên vật liệu.
b. Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước: xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, nghiêm cấm phóng uế bừa bãi, có biện pháp kiểm soát và xử lý nước thải xây dựng và nước mưa chảy tràn.
c. Giảm thiểu ô nhiễm chất thải rắn: Chất thải rắn sinh hoạt và xây dựng phát sinh tại dự án được thu gom và hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị địa phương để xử lý.
6.2. Các biện pháp giảm thiểu trong giai đoạn hoạt động:
a. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí: đề ra các quy định về bảo vệ môi trường yêu cầu các nhà đầu tư khi đầu tư vào KCN phải thực hiện.
b. Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước: Xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung có công suất 5.700 m3/ngàyđêm, yêu cầu tất cả các nhà máy trong KCN phải đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom của KCN.
c. Giảm thiểu ô nhiễm chất thải rắn: Thành lập đội thu gom chất thải rắn của KCN, ký kết với đơn vị có chức năng để xử lý.
II.Kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường:
1. Nhận xét, đánh giá:
a/ Về nội dung và cấu trúc báo cáo: Đã tuân thủ theo đúng hướng dẫn tại phụ lục 4, 5 và 6 của Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường.
b/ Về Tài liệu, số liệu đo đạc phân tích hiện trạng môi trường: Các tài liệu, số liệu sử dụng trong báo cáo (văn bản pháp lý liên quan, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội khu vực dự án) là đáng tin cậy; số liệu đo đạc phân tích chất lượng môi trường (không khí, nước, đất) đảm bảo làm cơ sở đánh giá về phông môi trường khu vực dự án.
c/ Về nguồn gây ô nhiễm và các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường: Báo cáo đã phân tích, đánh giá tương đối đầy đủ các tác động ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình xây dựng, hoạt động của dự án và đưa ra các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm là hợp lý.
d/ Về quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường áp dụng trong báo cáo: Các quy chuẩn QCVN 08 : 2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, QCVN 24:2008/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, QCVN 14:2008/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt, QCVN 05:2009/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, TCVN 5949 : 1998 - Âm học - Tiếng ồn khu vực công cộng và dân cư mức ồn tối đa cho phép… được sử dụng và áp dụng trong báo cáo là phù hợp và đúng theo quy định của pháp luật.
2. Kết quả:
Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hưng Thịnh, nhưng phải chỉnh sửa, bổ sung rõ một số nội dung sau:
-Chỉnh sửa tên dự án theo đúng quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong danh mục dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cụ thể chỉnh sửa lại tên của dự án là: “Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hưng Thịnh”.
-Đề nghị trong báo cáo cần phân biệt rõ đâu là Ban quản lý Khu công nghiệp Hưng Thịnh, đâu là Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi để tránh sự nhầm lẫn.
-Cần đề ra giải pháp cụ thể trong vấn đề tái định cư cho 16 hộ dân bị di dời.
-Vấn đề môi trường trong giai đoạn san lấp mặt bằng: Cần tính toán sự cân bằng trong công tác đào và đắp để từ đó đánh giá mức độ ảnh hưởng của hoạt động này đến các khu dân cư (khu dân cư lân cận và dân cư trên đường vận chuyển). Lưu ý ảnh hưởng của Quốc lộ 24 đang thi công đến vấn đề ô nhiễm môi trường không khí và an toàn giao thông. Đề ra các giải pháp giảm thiểu các tác động này.
-Bố cục trình bày ở chương 3 chưa rõ ràng, chưa phân tích, đánh giá các tác động tích cực, tiêu cực đối với môi trường tự nhiên và xã hội của từng giai đoạn để từ đó đưa ra các biện pháp giảm thiểu đã được đề ra trong chương 4. Đề nghị viết lại chương này.
-Về nguồn nước cấp: Đề nghị chủ dự án làm việc với cơ quan chức năng quản lý nguồn nước để có thỏa thuận hợp đồng nguyên tắc về vấn đề này.
-Bổ sung chế độ thủy văn (mùa nước kiệt, mùa nước lớn, lưu lượng…) và  khảo sát, đánh giá sơ bộ tình hình sản xuất, nuôi trồng thủy sản phía hạ lưu của các sông Ba Liên, sông Trà Câu, Sông Thoa. Từ đó, áp dụng đúng Quy chuẩn xả thải hiện hành (xác định rõ các hệ số Kq, Kf, giá trị C cột A hay B của QCVN 24:2009/BTNMT).
-Tại trang 117, khi tính toán khả năng tiếp nhận của sông Trà Câu, báo cáo giải thích Qs là “lưu lượng dòng chảy ở đoạn sông cần đánh giá” là chưa đúng. Ở đây, Qs phải được hiểu chuẩn xác là “lưu lượng dòng chảy tức thời nhỏ nhất ở đoạn sông cần đánh giá trước khi tiếp nhận nước thải”. Đề nghị chỉnh sửa và đánh giá lại.
-Về chất thải rắn: Chủ dự án cần cam kết có dịch vụ thu gom, phân loại chất thải rắn. Về phương án xử lý, đề nghị chủ dự án làm việc với UBND huyện Đức Phổ để thống nhất phương án xử lý chất thải rắn.
-Về vấn đề xử lý nước thải, đề nghị chủ dự án thực hiện các nội dung sau:
+Tính toán tổng tải lượng các các chất ô nhiễm.
+Đề ra phương pháp và công nghệ xử lý phù hợp.
+HTXL tập trung phải thiết kế lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục đối với các thông số: nhiệt độ, pH, DO, COD, TSS, độ đục.
+Bổ sung vào quy trình xử lý nước thải một hồ nuôi cá dùng để kiểm chứng nước thải đã được xử lý trước khi xả thải ra môi trường, đồng thời hồ này dùng làm hồ chứa khi hệ thống xử lý xảy ra sự cố.
-Đề nghị thành lập Tổ quản lý về môi trường trong khu công nghiệp.
-Về chương trình giám sát môi trường: cần đề ra chương trình giám sát cho từng giai đoạn: giai đoạn thi công xây dựng và giai đoạn khai thác vận hành. Riêng chương trình giám sát nước thải tại HTXL tập trung cần bổ sung các thông số: BOD, tổng P, mùi, độ màu.
-Đề nghị viết lại phần cam kết theo đúng yêu cầu của Thông tư 05/2008/TT-BTNMT ngày 8/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường. Cụ thể:
+ Cam kết hoàn thành các nội dung nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.
+ Cam kết hoàn thành các công trình xử lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm trước khi dự án đi vào hoạt động.
+ Cam kết 100% doanh nghiệp trong KCN đấu nối hệ thống xử lý nước thải cục bộ vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. 
+ Cam kết lắp đặt thiết bị giám sát tự động tại cửa xả của hệ thống xử lý nước thải của KCN trước khi xả ra sông Ba Liên.
+ Cam kết tuân thủ các biện pháp an toàn hóa chất được quy định tại Thông tư số 12/2006/TT-BCN ngày 22/12/2006 của Bộ Công nghiệp về hướng dẫn thi hành Nghị định 68/2005/NĐ-CP ngày 20/5/2005 của Chính phủ về an toàn hóa chất…
-Các biện pháp giảm thiểu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường là phần cam kết thực hiện của chủ dự án, vì vậy cần xem xét lại các từ ngữ mang tính định hướng như: “có thể’, “nên”, “cần”…
-Chỉnh sửa tiến độ thực hiện dự án cho phù hợp với thực tế.
-Chỉnh sửa lỗi chính tả, các lỗi kỹ thuật, thông số trong báo cáo.
-Lưu ý: Tất cả các bản vẽ trong báo cáo phải được đóng dấu xác nhận của chủ dự án.
III.Kết luận: Báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường khu công nghiệp phục vụ dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp Hưng Thịnh. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hưng Thịnh, sau khi chỉnh sửa, bổ sung hoàn chỉnh đủ điều kiện để trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai các bước tiếp theo.
Đề nghị Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Hưng Thịnh thực hiện đúng các yêu cầu  trên và gửi văn bản (kèm theo 05 quyển báo cáo ĐTM đã chỉnh sửa, bổ sung và 01 đĩa CD của báo cáo ĐTM hoàn chỉnh) cho Sở Tài nguyên và Môi trường để Sở tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, ra Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án./.
Nơi nhận:                        GIÁM ĐỐC
- Như trên;      
- UBND tỉnh (B/cáo);
- Lưu VT, CCBVMT.   

GỌI NGAY – 0903649782 - 028 35146426
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ CUNG CẤP CÁC DỊCH VỤ HẤP DẪN VỚI MỨC GIÁ TỐT NHẤT

TẠI CÔNG TY CP TƯ VẤN ĐẦU TƯ & THIẾT KẾ XÂY DỰNG MINH PHƯƠNG

Địa chỉ: P.2.14 Chung cư B1 Trường Sa, P.17, Bình Thạnh
E-mail:   nguyenthanhmp156@gmail.com

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha